Mới đây, trên mạng xã hội đang truyền tay nhau hình ảnh bác sĩ cùng y tá cùng nhau căng một con sán dây dài hơn 1m. Theo nguồn thông tin chia sẻ, bệnh nhân này thường ăn bò tái và bị sán dây bò làm tổ. Bệnh nhân phải đến khoa nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy để nhờ các bác sĩ gắp ra con sán dây bò dày hơn 1m.
Thông tin này hiện đang khiến mọi người vô cùng kinh hãi. Đáng nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường là do ăn thịt bò tái. Đây hẳn là thông tin không mấy vui vẻ gì cho những người ham mê ăn thịt bò tái. Vậy, sán dây bò có thể làm tổ trong cơ thể bạn thông qua những món ăn khoái khẩu nào? Chúng ta cùng điểm qua ngay dưới đây:
Bít tết
Bít tết là món ăn cực ngon, cực sang đối với nhiều người. Trong đó, chúng ta thường có xu hướng ăn bò bít tết dạng tái vì vừa ngọt thịt vừa thơm ngon hơn, lại không bị dai. Tuy nhiên, theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), bít tết bò tái là món ăn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán cực cao. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên lựa chọn thịt bò bít tết chín vừa hoặc chín kỹ để bảo vệ sức khỏe.
Lẩu nhúng thịt bò
Vào mùa lạnh, mọi người thường có xu hướng ăn lẩu vì rất ngon miệng lại có thể quay quần đầm ấm bên nhau. Trong những loại nguyên liệu để nhúng lẩu không thể thiếu thịt, nhất là thịt bò. Nhưng cũng giống như ăn bít tết, việc ăn thịt bò nhúng lẩu không được chín kỹ, vẫn còn tái sống sẽ không loại trừ nguy cơ lây nhiễm sán dây bò cũng như nhiều loại sán khác.
Thay vì ăn bò nhúng lẩu còn sống, còn tái, giải pháp tốt nhất cho chúng ta vẫn là nhúng cho chín kỹ rồi mới thưởng thức, tránh tiền mất tật mang.
Phở bò tái
Phở bò tái là một trong những món ăn làm lây truyền bệnh sán nhiều nhất. Về cơ bản, cách chế biến này không nguy hiểm bằng tiết canh bò, hay gỏi bò, nhưng lại là món ăn được ưa thích, xuất hiện nhiều ở khắp các hàng quán.Thịt bò cũng được chần tái trong một nồi nước to đang sôi. Một số nơi chỉ xếp thịt bò thái mỏng lên bát rồi cho nước dùng đang sôi già lên.
Với cách chế biến này, chuyên gia nhận định, thịt tái qua thì không thể diệt được nang ấu trùng sán dây bò, và từ đó tạo điều kiện để sán đi vào hệ tiêu hóa của con người.
Bò lúc lắc
Với đặc điểm thái thịt dày, bò lúc lắc cũng là món ăn được chuyên gia liệt kê vào những món ăn khoái khẩu từ thịt bò có nguy cơ nhiễm sán dây bò. TS Từ Ngữ khẳng định, bò lúc lắc dễ chứa ấu trùng sán hơn, bởi ở món ăn này, thịt thường được thái dày, trứng sán nằm bên trong khiến người ăn và đầu bếp không thấy. Thêm nữa món này thường không được nấu chính hoàn toàn nên ấu trùng sán vẫn còn tồn tại.
Vậy, làm thế nào để phòng tránh bệnh sán dây bò cũng như giun sán nói chung?
Theo TS Từ Ngữ, để không ăn phải thực phẩm nhiễm sán cần phải: Làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; Không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần; Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán cho dù cha mẹ đã chăm sóc và cho con ăn uống cẩn thận. Giun sán ẩn nấp trong nhiều loại thực phẩm, trong khi đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất hiếu động, chưa ý thức được cái gì sạch, cái gì bẩn nên có thể vô tình bị nhiễm giun sán. Với nhóm đối tượng này, cha mẹ cần chú ý luôn rửa sạch tay cho bé trước và sau khi ăn; nghiêm cấm con ăn thực phẩm chưa nấu chín, uống nước chưa đun sôi; không cho bé bò trườn dưới nền nhà; luôn cắt móng tay móng chân sạch sẽ…
Đối với những món ăn như tiết canh, thịt lợn, bò sống tái, tốt nhất chúng ta phải từ bỏ ngay từ bây giờ. Đây là những món ăn ẩn chứa nhiều ấu trùng sán nhất. Ngoài ra, trong quá trình mua thực phẩm, bạn cũng cần chú ý chọn mua thịt tươi, ngon, sạch cho gia đình.
Nguồn afamily.vn